Tin tức mới nhất từ Công ty Cổ phần Dược Phẩm Tâm Phúc Minh
  • Đỗ Hồng Vân
  • 0 Bình luận

Phương pháp chăm sóc và kỹ thuật thu hoạch trà hoa vàng

Trà hoa vàng là một loại dược liệu quý, được ví như “nữ hoàng” của mọi loại trà. Việt Nam là nơi có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để canh tác và phát triển giống trà này. Để cây trà hoa vàng cho sản lượng và năng suất tốt mỗi năm cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quá trình chăm sóc, sâu bệnh, khí hậu và đặc biệt là quy trình thu hoạch. Để đảm bảo chất lượng đồng đều, hoa trà không bị dập nát trong quá trình hái cần người dân có kỹ thuật tốt.

Phương pháp chăm sóc trà để đạt năng suất cao

Trà hoa vàng là loại trà có thể tự sinh trưởng và phát triển trong rừng rậm thiên nhiên, có nhiều độ ẩm. Loài cây này ưa sống trong bóng râm, dưới tán phủ của các cây cổ thụ khác, không ưa ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, diện tích trà hoa vàng trong tự nhiên rất ít, đa số đều là được người dân canh tác, chăm bón. Muốn có mùa thu hoạch trà hoa vàng bội thu cần phải thật tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc. Dưới đây là một số lưu ý về quá trình, phương pháp canh tác trà hoa vàng:

Bón phân cho trà hoa vàng

Các loại phân bón được khuyến khích sử dụng cho cây trà hoa vàng là: phân NPK, phân hữu cơ, phân chuồng, phân vi sinh, phân chuồng hoai. Một năm có 2 vụ mùa bón phân: vụ xuân hè (từ tháng 2 đến tháng 4); vụ hè thu (từ tháng 7 đến tháng 8). Các cây trà hoa vàng được bón phân đúng mùa vụ, sẽ có tốc độ sinh trưởng tốt, hoa ra nhiều, đều hơn, đài hoa to hơn và đậm màu hơn. Cây có khả năng chống sâu bệnh tốt hơn, ít mắc các bệnh về nấm. Vào mùa thu hoạch sẽ cho sản lượng và chất lượng tốt.

Phương pháp tưới nước cây hoa trà

Trà hoa vàng có đặc điểm sống trong các khu rừng ẩm, gần các khe suối vì vậy đây là loài cây cần được cung cấp nhiều nước, ưa ẩm, không ưa khô hanh, hạn. Vào mùa hè, cần tưới nước 2 lần/ 1 ngày để luôn giữ đất được ẩm, mùa xuân và thu mỗi ngày 1 lần và mùa  đông 2 ngày 1 lần. Cần đặc biệt để ý độ ẩm của đất khi cây đang ra nụ và đang trong quá trình nở hoa. Khi cây ra hoa không phun nước lên các cánh hoa để không gây ra hiện tượng gãy rung, dập nát cánh hoa. Tuyệt đối không tưới nước vào tối, đêm để phòng ngừa các bệnh nấm rễ cây. Không để đất khô trắng quá 10 ngày, không để cây chịu ngập úng quá 4 ngày sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất cây.

Phòng trừ sâu bệnh trước khi thu hoạch cho trà hoa vàng

Một số các bệnh sâu hại của trà hoa vàng thường thấy như: sâu ăn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh đốm than. Các loại côn trùng gây hại như nhện đỏ, rệp, … Có thể áp dụng một số biện pháp au để phòng ngừa sâu bệnh cho cây:

Thủ công: Người chăm sóc theo dõi và bắt sâu non cho cây, ngắt các lá có ổ trứng nhện, trứng bọ xít. Phát hiện và xử lý cắt kịp thời các cành có sâu đục thân, tránh lan ra các cành khác

Phương pháp canh tác: Làm cỏ thường xuyên, đảm bảo các khu canh tác trà hoa vàng được sạch sẽ. Cày xới cho đất tơi xốp đồng thời diệt trừ được các mầm nhộng ở đất và phòng tránh nấm rễ cây.

Phương pháp trồng xen canh: Trồng trà hoa vàng dưới những tán cây công nghiệp lâu năm, để cây sống trong bóng mát, giữ ẩm cho đất và rễ cây. Đồng thời tạo điều kiện sinh trưởng cho các vi sinh vật có lợi cho cây phát triển.

Kỹ thuật thu hoạch trà hoa vàng

Thời điểm thích hợp thu hoạch trà hoa vàng

Trà hoa vàng được trồng và nuôi dưỡng trong khoảng 3 năm sẽ có thể thu hoạch được lá trà. Từ 4 năm đến 5 năm trở lên có thể thu hoạch được nụ hoa trà. Một năm có một mùa vụ thu hoạch tập trung vào tháng 11 đến tháng 2 năm sau (âm lịch). Nên thu hoạch hoa trà vào thời điểm hoa vừa đúng lúc hoa nở (vẫn đảm bảo giữ nguyên đài hoa) để đảm bảo chất lượng của hoa.

Trong những ngày thu hoạch trà hoa vàng nên thu hoạch vào buổi sáng khi nắng chưa gắt. Không thu hoạch vào những ngày trời mưa, tránh làm dập nát cánh hoa.

Kỹ thuật hái trà hoa vàng

Hiện nay phương pháp chính hái trà hoa vàng là hái thủ công bằng tay. Thu hoạch hoa trà sẽ quyết định đến chất lượng của mùa vụ và là bước quan trọng bắt đầu cho chu trình sản xuất và chế biến hoa trà. Không chỉ vậy, hái hoa trà cũng là một bước quyết định đến chất lượng đơm hoa của cây trà vào mùa vụ sau. 

Khi hái hoa trà cần chú ý hái cả đài hoa, hái hoa vào thời điểm hoa vừa nở rộ. Khi hái búp lá trà cần chừa lại đủ lá để đảm bảo cho việc phát triển búp lá vào năm sau.

Thu hoạch trà hoa vàng là bước quan trọng quyết định đến chất lượng của mùa vụ cũng như quy trình sấy, chế biến hoa trà. Để có một mùa vụ bội thu, người dân cần có đầy đủ kiến thức về phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng cây và có kỹ thuật thu hoạch trà hoa vàng tốt.

Bình luận