Tin tức mới nhất từ Công ty Cổ phần Dược Phẩm Tâm Phúc Minh
  • Đỗ Hồng Vân
  • 0 Bình luận

Nét đặc trưng làm nên thương hiệu cà phê Tây Nguyên Việt Nam

Nhắc đến cà phê Việt Nam, người ta sẽ nhớ ngay đến hương vị cà phê đậm đà, đầy mạnh mẽ và hương thơm quyến rũ. Việt Nam là một trong những nước có sản lượng xuất khẩu cà phê cao nhất thế giới. Các vùng canh tác cà phê tại nước ta trải dài từ vùng Tây Bắc đến miền Trung và Nam Bộ với tổng diện tích hơn 710.000 Ha. Trong đó, Tây Nguyên được biết đến là khu vực trọng điểm sản xuất cà phê ở Việt Nam. Ở bài viết này, cùng DAIGAN tìm hiểu những nét đặc trưng của cà phê Tây Nguyên nhé.

Lịch sử phát triển của cà phê Tây Nguyên

Vào năm 1885, người Pháp đã đưa những giống cà phê đầu tiên vào Việt Nam. Những giống cà phê Arabica đầu tiên được trồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau đó phát triển sang các khu vực lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, … Tuy nhiên, Arabica lúc này lại không thực sự phù hợp với thổ nhưỡng tại Việt Nam. Sau khi bệnh gỉ sắt ở lá bùng lên, giống Arabica gần như đã không còn phát triển. Lúc này, người Pháp lại tiếp tục thử canh tác giống cây Robusta - giống cà phê có khả năng chống chọi sâu bệnh tốt. Đồng thời phù hợp với thổ nhưỡng núi rừng ở nước ta hơn.

Cho đến năm 1925, Tây Nguyên được khai thác để dựng lên những đồn điền cà phê Robusta đầu tiên. Cho đến nay cà phê được trồng chủ yếu tại Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk (thuộc khu vực Tây Nguyên). Ngoài Robusta, Tây Nguyên còn canh tác các giống Arabica và cà phê Mít.

Nét đặc trưng làm nên sự nổi tiếng của cà phê Tây Nguyên

Lịch sử trồng cà phê lâu đời

Tây Nguyên được biết đến là một trong những vùng canh tác cà phê sớm nhất Việt Nam. Từ những vườn cà phê thô sơ cho đến những đồn điền lớn, Tây Nguyên đã nghiên cứu kỹ đặc tính cây trồng và cách chăm sóc tốt nhất cho từng giống cà phê. Cho đến nay, các đồn điền cà phê đã áp dụng quy trình chế biến khép kín. Sử dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến từ bước chọn giống, chăm sóc, canh tác và chế biến xuất khẩu.

Thổ nhưỡng

Cà phê Tây Nguyên có được hương vị thơm ngon đặc trưng một phần dựa vào thổ nhưỡng ở khu vực này. Đất trồng ở Tây Nguyên chủ yếu là đất đỏ bazan, loại đất chứa nguồn dinh dưỡng cao nhất. Không chỉ phù hợp với cà phê mà còn hợp để trồng các loại cây công nghiệp lâu năm khác.

Lâm Đồng là tỉnh thành thuộc Tây Nguyên có diện tích trồng Arabica cao nhất cả nước. Arabica tại đây được đánh giá với chất lượng cao, sản lượng tốt. Lý do khiến Lâm Đồng trở thành khu vực canh tác trọng điểm chính là vĩ độ tại đây gần như trùng khớp với Costa Rica - nơi nổi tiếng nhất vùng Trung Mỹ về cà phê Arabica. Khí hậu Lâm Đồng mát mẻ quanh năm, với các cao nguyên có độ cao cao so với mực nước biển. Phù hợp với yêu cầu canh tác Arabica.

Tây Nguyên như được sinh ra để trồng giống cây Robusta. Robusta chiếm đến 80% sản lượng canh tác của khu vực này. Ngoại trừ Lâm Đồng trồng Arabica thì các tỉnh khác của Tây Nguyên đều phát triển giống cây Robusta. Robusta thích hợp trồng ở độ cao dưới 800m so với mực nước biển nên rất thích hợp khi được chăm sóc ở đây.

Cà phê Tây Nguyên có sự phong phú về mùi vị

Khu vực Tây Nguyên rất rộng, bao gồm nhiều tỉnh thành khác nhau. Hương vị Cà phê trồng ở mỗi tỉnh thành sẽ bị ảnh hưởng bởi thổ nhưỡng mà mang nét đặc trưng khác biệt. 

Hương vị cà phê tại Buôn Mê Thuột được đánh giá là đậm đà, mạnh mẽ nhất. Hương vị Robusta quyến rũ, có độ caffeine và độ đắng cao. Mang lại từng ngụm cà phê tác động mạnh mẽ vào vị giác. Cà phê ở Dak Lak thì có phần nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn. Giống Arabica tại Lâm Đồng thì có hương vị chua thanh của hoa quả, hậu vị đắng ngọt dễ uống. 

Các giống cafe nổi bật ở Tây Nguyên

Cà phê Vối Tây Nguyên (Robusta)

Cà phê Robusta ở Tây Nguyên nổi bật với hương vị đậm đà, vị đắng mạnh mẽ, hậu vị ngọt thơm. Đây là giống cà phê chủ lực tại khu vực này. Sản lượng hàng năm của Robusta cao, chất lượng tốt do đây là loài cây có khả năng chống chọi sâu bệnh tốt (đặc biệt là bệnh gỉ sét ở lá).

Cà phê Chè Arabica

Việt Nam có rất ít khu vực phát triển canh tác được giống Arabica. Ngoài một số tỉnh Tây Bắc, thì Lâm Đồng (Tây Nguyên) là nơi cho chất lượng Arabica tốt nhất. Tuy nhiên do khả năng chịu sâu bệnh kém nên sản lượng Arabica tại Tây Nguyên không cao bằng giống cây Robusta.

Cà phê Mít

Giống Cà phê Mít chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các đồn điền tại Tây Nguyên. Chủ yếu cà phê Mít được trồng làm hàng rào chắn gió cho các cây Robusta và Arabica. Hạt cà phê Mít thường không được sử dụng một mình để pha mà thường dùng để kết hợp với các hạt Robusta hoặc Arabica.

Cà phê Tây Nguyên mang lại những nét đặc trưng riêng về hương vị. Không chỉ vậy, sản lượng của cà phê khu vực này còn đóng góp phần lớn về mặt kinh tế xuất khẩu của nước ta.

Bình luận