Tin tức mới nhất từ Công ty Cổ phần Dược Phẩm Tâm Phúc Minh
  • Đỗ Hồng Vân
  • 0 Bình luận

Cà phê chè Việt Nam và những khu vực canh tác trọng điểm

Cà phê chè hay còn gọi là cây cà phê Arabica. Đây là giống cà phê hảo hạng được ưa thích nhất trên thế giới. Mỗi năm, Arabica chiếm khoảng 70% sản lượng sản xuất và tiêu thụ trên toàn cầu. Điều này đã đủ cho thấy vị thế của Arabica trên thị trường cà phê thế giới. Tuy vậy, tại Việt Nam lượng canh tác và sản xuất giống cây này còn thấp. Chỉ chiếm khoảng 10% diện tích trồng cà phê trên cả nước. 

Vị thế của giống cà phê chè tại thị trường trong nước

Sự phát triển của Arabica tại Việt Nam

Cà phê chè được đưa vào Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1857. Đây là giống cà phê đầu tiên du nhập vào nước ta bởi các nhà truyền giáo Pháp. Khi mới bắt đầu canh tác, Arabica được ưu tiên trồng ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Tiêu biểu như Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, … Sau đó phát triển xuống các vùng phía Trung như Quảng Trị, Quảng Bình.

Tại miền Bắc, giống Arabica được trồng chủ yếu là Typica và một số ít nơi trồng Bourbon. Do khả năng chống chịu sâu bệnh kém, đặc biệt là bệnh gỉ sắt và sâu đục thân mình trắng, hai giống Arabica này dần dần suy yếu. Sau 20 năm, các chuyên gia đã nhân giống và lai tạo được Catimor (Lai từ Timor Hybrid và Caturra). Biến thể Arabica này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, khả năng thích nghi môi trường tốt. Từ đó Catimor trở thành giống Arabica chính tại Việt Nam.

Vị thế của cà phê chè tại Việt Nam

Việt Nam có ba giống cà phê chính là cà phê chè (Arabica), cà phê vối (Robusta), và cà phê mít. Trong đó Robusta chiếm khoảng 90% diện tích canh tác, Arabica chiếm khoảng 9%-10%, và cà phê mít chiếm chưa tới 1%. Cho dù đến nay, diện tích trồng cà phê trên toàn quốc đã đạt đến 710.000 ha với hơn 1 triệu tấn mỗi năm nhưng sản lượng Arabica đều không cao. Thậm chí nước ta cần phải đi nhập khẩu giống cà phê này.

Sở dĩ cà phê Arabica không có vị thế cao bằng Robusta vì đặc điểm thích nghi và canh tác. Việt Nam có đặc điểm địa hình đồi núi thấp, phù hợp với việc trồng và chăm sóc Robusta hơn. Arabica cần sống ở nơi có địa hình cao từ 1500m đến 1900m, tại nước ta có rất ít khu vực đáp ứng được điều này. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của Robusta cao hơn rất nhiều Arabica. Đặc biệt là với bệnh gỉ sét và sâu đục thân. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển các giống của cây cà phê chè. Khắc phục các điều kiện khí hậu, môi trường để có thể giúp sản lượng Arabica tăng cao hơn.

Các khu vực canh tác Arabica trọng điểm

Bởi vì yêu cầu khắt khe về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Arabica chỉ được canh tác ở một số vùng trọng điểm phù hợp. Tại nước ta, có ba vùng canh tác chính là vùng Tây Bắc, miền Trung và khu vực Tây Nguyên.

Cà phê chè vùng Tây Bắc

Tây Bắc là vùng có vị trí địa hình gồm nhiều đồi núi với các dãy núi có sự chia cắt phức tạp. Độ cao địa hình trung bình từ 500m đến 1500m. Địa hình này phù hợp để trồng và phát triển một số giống cà phê chè. Arabica được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Đặc biệt là cao nguyên Sơn La, cao nguyên Mộc Châu. Các khu vực này nằm ở phía tây dãy núi Hoàng Liên Sơn đáp ứng đủ điều kiện về khí hậu để canh tác Arabica.

Cà phê Arabica khu vực miền Trung

Tuy rằng cà phê chè được trồng đầu tiên ở khu vực miền Bắc, nhưng sự phát triển thật sự của giống cà phê này lại bắt nguồn từ những tỉnh miền Trung. Những đồn điền cà phê Arabica được mở ra và phát triển tại Phủ Quỳ (Nghệ An). Bên cạnh đó, giống Catimor (biến thể của cà phê chè) cũng được trồng nhiều tại Khe Sanh (Quảng Trị). Cà phê Arabica Khe Sanh là một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất nước ta
Cà phê chè Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng canh tác trọng điểm cà phê ở nước ta. Không chỉ cà phê chè mà đối với cả cà phê vối. Sản lượng cà phê toàn quốc phụ thuộc chính vào các đồn điền tại Tây Nguyên. Tuy rằng đặc điểm địa hình và khí hậu của Tây Nguyên phù hợp với cà phê vối nhiều hơn, nhưng vẫn có một số nơi đáp ứng được điều kiện sinh trưởng của cà phê chè. 

Tiêu biểu như cà phê Arabica tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Đăk Nông và Vĩnh Sơn (Bình Định).

Tiềm năng phát triển giống cà phê chè hiện nay

Vào năm 2024, nước ta đang tích cực phát triển, mở rộng diện tích trồng cây cà phê chè. Để khắc phục tính chống chọi sâu bệnh kém và khả năng thích nghi thấp, Arabica thuần được nhân giống với các biến chủng khác. Tạo thành các giống Arabica có khả năng sinh trưởng và cho năng suất cao hơn. Đặc biệt phải kể đến giống Catimor - một giống Arabica cho năng suất tốt nhất. Đồng thời, viện nghiên cứu Lâm Nông nghiệp cũng đưa ra các phương pháp tích cực giúp cây phòng trừ được sâu bệnh hại lá, thân, rễ. Bảo vệ sản lượng hạt hàng năm. 

Cà phê chè mang lại giá trị kinh tế cao. Hương vị thơm ngon, quyến rũ của giống cà phê này là thước đo của mọi loại cà phê trên thế giới. Phát triển tốt được giống cây trồng này sẽ nâng tầm cà phê nước ta trên bản đồ cà phê toàn cầu.

Bình luận